MỤC TIÊU, SỨ MẠNG, CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG DU LỊCH VÀ CÔNG THƯƠNG
I. MỤC TIÊU VÀ SỨ MẠNG
1. Mục tiêu
Trường Cao đẳng Du lịch và Công Thương với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
2. Sứ mạng
Trường Cao đẳng Du lịch và Công Thươngcó sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp, đào tạo thường xuyên và bồi dưỡng kỹ năng nghề theo quy định. Tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ phục vụ nhu cầu xã hội, hợp tác chặt chẽ với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài.
II. CHỨC NĂNG
Trường Cao đẳng Du lịch và Công Thương là Cơ sở đào tạo công lập trực thuộc Bộ Công Thương, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp, đào tạo thường xuyên và bồi dưỡng kỹ năng nghề theo quy định với các nhóm ngành, nghề về lĩnh vực: Du lịch, nhà hàng; khách sạn, quản trị kinh doanh, kế toán, máy tính và công nghệ thông tin; kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ cơ khí; sản xuất, chế biến sợi, vải; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Được liên kết với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trong và ngoài nước đào tạo theo nhu cầu của xã hội; thực hiện cấp văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; là cơ sở nghiên cứu, triển khai khoa học – công nghệ phục vụ quản lý, sản xuất – kinh doanh của ngành Công Thương và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
III. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
1. Xây dựng quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển trường, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực có trình độ Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp với các ngành, nghề được cấp phép đào tạo theo quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội.
3. Tổ chức đào tạo thường xuyên theo quy định tại Mục 2, Chương III của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.
4. Tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh và quản lý người học theo quy định của pháp luật. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành liên quan và quy định của pháp luật.
5. Công bố công khai mục tiêu, chương trình đào tạo; điều kiện để bảo đảm chất lượng dạy và học; mức học phí và miễn, giảm học phí; kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường; vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp và các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo.
6. Tổ chức các hoạt động đào tạo; kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và in phôi bằng cho người học, quản lý, cấp phát, thu hồi, huỷ bỏ bằng tốt nghiệp Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp, Chứng chỉ đào tạo theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và quy định của pháp luật.
7. Được sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài đã được tổ chức giáo dục, đào tạo nước ngoài hoặc quốc tế có uy tín công nhận về chất lượng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Được liên kết hoạt động đào tạo trong nước; liên kết hoạt động đào tạo với nước ngoài theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và quy định pháp luật có liên quan.
8. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực, quản lý và sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, tài sản, tài chính, nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật; xây dựng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và theo quy định của pháp luật.
9. Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động theo quy định của Bộ Công Thương và quy định của pháp luật; đảm bảo đủ về số lượng, chât lượng, vị trí việc làm và phù hợp với ngành, nghề, quy mô và trình độ đào tạo.
10. Thực hiện kiểm định và bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định; tư vấn đào tạo, tư vấn việc làm miễn phí cho người học.
11. Được tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo quy định của Bộ Công Thương và quy định của pháp luật:
- Thực hiện các hoạt động dịch vụ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất thực nghiệm, sản xuất kinh doanh phù hợp với ngành nghề đào tạo của Trường;
- Sản xuất – dịch vụ: Thí nghiệm; sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị ngành điện; gia công cơ khí; sửa chữa, tân trang các loại xe cơ giới; bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị ô tô, sản xuất các sản phẩm may mặc. Tổ chức kinh doanh và liên kết kinh doanh các hoạt động lữ hành, nhà hàng, lưu trú.
12. Tổ chức các hoạt động thông tin, in ấn tài liệu, giáo trình phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.
13. Được đưa nội dung giảng dạy về ngôn ngữ, phong tục , tập quán, pháp luật có liên quan của nước mà người lao động đến làm việc và pháp luật có liên quan của Việt Nam vào chương trình đào tạo khi tổ chức đào tạo cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
14. Nghiên cứu khoa học để phục vụ và nâng cao chất lượng đào tạo; ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
15. Thực hiện quy chế dân chủ trong Trường. Có cơ chế để người học, nhà giáo, nhà khoa học, cán bộ quản lý và xã hội tham gia đánh giá chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Trường; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong trường; thực hiện xây dựng quốc phòng địa phương theo quy định của pháp luật; bảo vệ tài sản, bí mật quốc gia; xây dựng và thực hiện các quy chế, biện pháp bảo vệ, an toàn lao động.
16. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự giám sát, thanh tra, kiểm tra của các Bộ, ban, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật.
17. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của Trường; thực hiện các chính sách, chế độ tiền lương, đào tạo, bồi dưỡng đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động của trường theo quy định về phân cấp quản lý của Bộ Công Thương và quy định của pháp luật.
18. Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Trường theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Công Thương; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê kết quả hoạt động đào tạo theo định kỳ hoặc đột xuất.
19. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Thông tư số 46/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về Điều lệ Trường Cao đẳng, quy định của Bộ Công Thương và quy định của pháp luật có liên quan.
20. Trường thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao và theo quy định của pháp luật.